Điều kiện tự nhiên

         I. Điều kiện tự nhiên

          1. Vị trí địa lý

Thành phố Sơn La là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế của tỉnh Sơn La có toạ độ địa lý: 21015' - 21031' vĩ độ bắc, 103045' - 104000' kinh độ đông. Có vị trí địa lý được xác định như sau:
         Phía Bắc giáp huyện Mường La
         Phía Đông giáp huyện Mai Sơn.
         Phía Tây giáp huyện Thuận Châu.
         Phía Nam giáp huyện Mai Sơn.

          2. Địa hình

Nằm trong vùng có quá trình kaster hoá mạnh, địa hình của thành phố chia cắt phức tạp, núi đá cao xen lẫn đồi, thung lũng, lòng chảo. Một số khu vực tương đối bằng phẳng thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng chỉnh trang đô thị, sản xuất nông nghiệp, tập trung ở trung tâm phường nội thành, các xã Chiềng Ngần, phường Chiềng Sinh và xã Chiềng Xôm. Độ cao trung bình  từ  700 - 800 m  so với mực nước biển.

Do đặc điểm kiến tạo địa chất với các đứt gãy điển hình, đã tạo cho thành phố nhiều dạng địa hình đặc trưng vùng núi, có địa thế hiểm trở, cát cứ, nhiều đỉnh núi cao xen kẽ các hẻm sâu, mức độ chia cắt sâu và mạnh. Diện tích đất canh tác nhỏ hẹp, thế đất dốc dưới 250 chiếm tỷ lệ thấp. Với dạng địa hình như vậy cho phép phát triển đa dạng các loại cây trồng vật nuôi nhưng cũng gây nhiều khó khăn trong việc hình thành những vùng chuyên canh có lượng sản phẩm lớn cũng như việc đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất và canh tác.

          3. Khí hậu, thời tiết

Thành phố Sơn La nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có tính chất lục địa, chịu ảnh hưởng của địa hình. Có hai mùa rõ rệt, mùa đông lạnh trùng với mùa khô, kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, lượng mưa chiếm 25% lượng mưa trung bình trong năm, hướng gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc; mùa hè nóng trùng với mùa mưa, bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9, lượng mưa tập trung nhiều nhất vào tháng 7, 8, 9. Các yếu tố cơ bản về khí hậu Sơn La như sau:

- Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình năm 2018 đạt 230C(*), nhiệt độ cao nhất trong năm là 28,40C diễn ra vào tháng 5, nhiệt độ thấp nhất 15,50C vào tháng 1.

- Độ ẩm không khí: trung bình/năm 78,80%, cao nhất vào tháng 12 đạt 85%, thấp nhất vào tháng 5 với 69,0%. Lượng bốc hơi trung bình năm là 800mm/năm. Lượng bốc hơi quan hệ với lượng mưa phân bố không đều trong năm tạo nên một thời kỳ khô hạn gay gắt (từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 băm sau). Đây là thời kỳ lượng bốc hơi cao hơn lượng mưa nhiều lần, khiến độ ẩm ở tầng đất mặt luôn dưới độ ẩm cây héo rất nhiều nên thời kỳ này rất khó canh tác cây trồng ngắn ngày nếu không chủ động được nguồn nước tưới.

- Lượng mưa: Tổng lượng mưa bình quân cả năm 2018 là 1.434,1 mm/năm với 215 ngày mưa/năm. Lượng mưa phân bổ không đều, tập trung nhiều nhất vào các tháng 6, 7, 8, 9 với lượng mưa chiếm 69% lượng mưa cả năm.

- Nắng: Tổng số ngày nắng năm 2018 là 2.115,7 giờ, tập trung chủ yếu vào các tháng 4, 5, 6 kèm theo gió nóng (gió Lào).

- Gió: Thịnh hành theo hai hướng là gió mùa Đông – Bắc từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau và gió Tây – Nam xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 9. Đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 5 còn chịu ảnh hưởng của gió nóng (gió Lào). Số ngày bị ảnh hưởng của gió nóng 15 – 18 ngày/năm. Tốc đọ trung bình đo được là 0,8 – 1,90 m/s, tốc độ gió cực đại 28 m/s. Thành phố Sơn La năm sau trong nội địa, được các dãy núi che chắn không bị ảnh hưởng của Bão song thỉnh thoảng vẫn có lốc cục bộ.

          4. Thuỷ văn

Do địa hình phức tạp chia cắt mạnh tạo cho thành phố có một hệ thống suối, khe khá phong phú, song phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở vùng thấp. Trên địa bàn thành phố có suối Nậm La, chiều dài 25 km, ngoài ra còn nhiều suối nhỏ nằm rải rác ở các xã Hua La, Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng Xôm. Lưu lượng dòng chảy biến động theo mùa, mực nước thường thấp hơn so với bề mặt canh tác gây nhiều khó khăn cho sản xuất. Dòng chảy của các suối này là nguồn cung cấp nước chủ yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong vùng.

Ngoài ra thành phố cũng có hệ thống các công trình thủy lợi dày đặc: 5 đập xây, đập bê tông, 06 phai rọ thép xếp đá học loại vừa và nhỏ, 15 pphai tạm, 06 trạm thủy nông và 48 hồ chứa các loại. Công trình thủy lợi Bản Mòng do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đang được xây dựng có hồ chứa gần 8 triệu m3 nước ở vùng thượng nguồn suối Nậm La. Do cơ chế kiến tạo địa chất và thủy văn đặc biệt nằm trong vùng đá vôi, quá trình karst diễn ra mạnh tạo nhiều hang ngầm và đây cũng là do ảnh hưởng nhiều đến chế độ thủy văn của thành phố.

II. Các nguồn tài nguyên

          1. Tài nguyên đất

Trong tổng diện tích tự nhiên 32.351,45 ha, theo kết quả tính toán trên bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1/100.000 của tỉnh Sơn La cho thấy trên địa bàn thành phố Sơn La có các loại đất chính:

Đất vàng đỏ trên đá sét (Fsx) diện tích khoảng 4.565,8 ha.

Đất vàng nhạt trên đá sét (Fqx) diện tích khoảng 12.774,1 ha.

Đất đỏ nâu trên đá vôi (Fvh) diện tích khoảng 5.197,9 ha.

Đất nâu đỏ trên đá mắc ma trung tính (Fkx) diện tích khoảng 3.853,3 ha.

Đất đỏ vàng trên đá biến chất (Fj) diện tích khoảng 1.726,0 ha.

Đất feralit mùn đỏ vàng trên đá biến chất (FHj) diện tích 3.692,8 ha.

Đất feralit mùn trên núi (FHa) diện tích khoảng 682,36 ha.

Hầu hết các loại đất ở thành phố có độ dày tầng đất từ trung bình đến khá, có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, tỷ lệ mùn và các chất dinh dưỡng từ trung bình đến khá, độ chua trung bình, nghèo bazơ trao đổi, đất thiếu lân, kali và các chất dễ tiêu. Tuy nhiên là địa bàn thuộc khu vực cao nguyên Sơn La - Nà Sản là nơi phân bố các loại đất có độ phì cao, tầng đất dầy mang lại ưu thế để canh tác một loại cây có giá trị kinh tế mang lại hiệu quả năng suất cao.
         2. Tài nguyên rừng

Diện tích đất lâm nghiệp của thành phố là 9.882,60  ha, chiếm 30,55% diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích rừng sản xuất là 2.169,02 ha, diện tích rừng phòng hộ là 7.672,81 ha, diện tích rừng đặc dụng là 40,77 ha. Trước đây, trên địa bàn thành phố, diện tích đất rừng còn nhiều, rừng có thảm thực vật phong phú với nhiều loài thực vật quý, hiếm như Đinh, Sến, Lát Hoa, ... trong vùng cũng có nhiều loài động vật là các loài thú, chim, bò sát, ... có giá trị đặc trưng vùng. Tuy nhiên những năm trở lại đây quá trình khai thác không hợp lý, diện tích đất rừng bị suy giảm mạnh, nhiều loại gỗ quý hiếm, thảo dược và động vật đã biến mất; mật độ che phủ rừng không cao, thảm thực vật tự nhiên còn lại thưa thớt. Để tăng độ che phủ rừng cũng như tăng cường môi trường, vấn đề trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng, bảo vệ rừng thời gian qua đã được các cấp chính quyền quan tâm, triển khai thực hiện nhiều diện tích rừng đã và đang được các tổ chức, cá nhân khoanh nuôi bảo vệ, phát triển.

2.3. Tài nguyên khoáng sản

Thành phố có địa hình đồi núi bị chia cắt bởi các khe suối, cấu trúc địa
chất phức tạp, khoáng sản ở đây đã được điều tra nghiên cứu trên nhiều vùng với các mức độ khác nhau nhưng chưa đầy đủ. Trong những năm tới cần có các nghiên cứu, thăm dò cụ thể hơn về nguồn tài nguyên này để có kế hoạch đầu tư và khai thác hiệu quả. Hiện tại trên địa bàn thành phố có một số mỏ như: Vàng gốc bản Cằm xã Hua La; sét xi măng ở phường Chiềng Sinh, trữ lượng 110.000 ngàn tấn; sét gạch ngói Bản Dửn, xã Chiềng Ngần; đá vôi xi măng Chiềng Sinh; đá vôi bản Hôm, xã Chiềng Cọ.

         III. Tiềm năng kinh tế

1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế

Trong hoàn cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, định hướng của Sơn La trong thời gian tới là xây dựng thành phố trở thành đô thị hiện đại mang bản sắc văn hóa các dân tộc đặc thù của tiểu vùng Tây Bắc, là một trong những trung tâm giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực đa ngành, là động lực tăng trưởng kinh tế vùng dọc quốc lộ 6 của tỉnh. Phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 10-12%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8-10%/năm. Năm 2020 phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt trên 85 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 800 tỷ đồng...

Nhằm tạo đà cho kinh tế địa phương phát triển, trong thời gian tới Thành phố Sơn La tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào hệ thống giao thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực.

Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các Sở, Ban Ngành của tỉnh, các tổ chức quốc tế và thực hiện các mục tiêu, giải pháp thu hút đầu tư vào thành phố Sơn La. Ngoài ra, xây dựng đa dạng các kênh thông tin để thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ cho nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, lựa chọn, xây dựng phương án triển khai dự án đầu tư… Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh DN tư nhân, các thành phần kinh tế, kể cả các DN đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng với hình thức hợp tác công tư (PPP); mở rộng hình thức đầu tư BOT, BT...

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ đất; các dự án khai thác quỹ đất tạo vốn đầu tư; tham gia tổng rà soát diện tích đất, tài sản giao cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức, doanh nghiệp không sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, để trống gây lãng phí, phát huy giá trị sử dụng và nguồn lực từ đất tạo vốn đầu tư phát triển

Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Tập trung phát triển những ngành dịch vụ có lợi thế; dịch vụ hỗ trợ thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và nông thôn phát triển bền vững. Mở rộng và nâng cao chất lượng hiệu quả hệ thống bán buôn, bán lẻ, dịch vụ vận tải; phát triển thương mại. Phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, trọng tâm là tổ chức lại sản xuất, tập trung tuyên truyền, vận động hộ gia đình liên kết xây dựng phương án sản xuất, tạo mặt bằng, các điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hướng về khu vực nông thôn. Phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại; nhân rộng và phát triển mô hình trồng rau, hoa có giá trị kinh tế cao tại các xã, phường trên địa bàn. Phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu cà phê Sơn La. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

2. Tiềm năng du lịch

Thành phố Sơn La còn có những địa chỉ hấp dẫn dành cho du khách phải kể đến là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; di tích lịch sử Hang Bia Quế Lâm Ngự Chế - nơi ghi dấu bút tích của Vua Lê Thái Tông năm 1440… Thêm một lựa chọn dành cho du khách khi đến với Sơn La đó là điểm du lịch cộng đồng, Rừng vàng,  Hoa đẹp Sơn La, cũng như các Home stay mang đậm bản sắc dân tộc

Thành phố Sơn La còn được du khách biết đến bởi những nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc anh em với lễ hội như: Lễ hội hoa ban, xíp xí, cầu mưa, cầu mùa...; cùng các trò chơi dân gian như: đua thuyền, tung còn, ném pa pao, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, tó mak lẹ...; các điệu xòe, múa xạp, múa nón, múa khèn,... Đặc biệt du khách sẽ không thể nào quên hương vị của những món ăn truyền thống của đồng bào vẫn được gìn giữ cho đến ngày hôm nay.

 





 



CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ CHIỀNG ĐEN
 
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Xã Chiềng Đen
 
Địa chỉ: Xã Chiềng Đen - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La
 
SĐT: 02122210447
Email: uybannhandanxachiengden@gmail.com - Website: http://