Nuôi lợn khép kín trong vườn cà phê, ông nông dân Sơn La thành tỷ phú
Lượt xem: 94
Mạnh dạn đổi mới, chịu khó học hỏi, áp dụng kỹ thuật khoa học công nghệ trong chăn nuôi lợn, ông Quàng Minh Văn, bản Hôm, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã có thu nhập nửa tỷ mỗi năm nhờ nuôi lợn khép kín trên rẫy cà phê.

Chọn nuôi lợn thay thế những cây trồng trên nương

Để được trực tiếp vào thăm trang trại nuôi nuôi lợn của ông Văn, chúng tôi đã phải nhờ hội Nông dân xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) liên hệ, giới thiệu, nên ông Văn mới yên tâm đồng ý.

"Dịch tả lợn Châu phi, lở mồm long móng phức tạp, trại nuôi hạn chế người ra vào, con trai chú, chú còn không cho vào, che chắn chuồng kỹ càng nhằm hạn chế tối đa sự xâm nhập của dịch bệnh…" ông Văn nói.

 

Sau vài câu chào hỏi, ông Văn dẫn chúng tôi ra trại nuôi lợn năm sau trong nương cà phê. Bên ngoài trang trại được bao quanh một lớp tường rào kiên cố. 

Hết con đường nội bản rẽ vào con đường nhỏ dẫn vào trang trại được phủ trắng bởi vôi bột. Để được vào trại lợn ghi hình, chụp ảnh ông Văn dẫn chúng tôi qua khu vực khử khuẩn xong mới cho vào.

 

Ông Văn mở cánh cửa để dẫn chúng tôi vào trại lợn, bất ngờ đầu tiên với chúng tôi đó là cách sắp xếp rất hợp lý giữa các chuồng trại, khu xử lý chất thải.

Vừa dẫn phóng viên đi thăm trang trại, ông Văn vừa chia sẻ: Trước kia gia đình cũng thâm canh cây cà phê, qua nhiều năm trồng, ông nhận thấy cây cà phê tuy mang lại thu nhập lớn cho gia đình, nhưng lại phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, giá thu mua lại không ổn định. 

Qua tìm hiểu về các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh, ông nhận thấy với trên 2ha đất vườn của gia đình là điều kiện lý tưởng cho việc xây dựng trại nuôi lợn, phân thải của lợn có thể tận dụng ủ hoại mục làm phân bón cho cà phê, cây ăn quả của gia đình.

"Năm 2011 gia đình tôi tiến hành nuôi thí điểm 10 con nái, lúc đó tôi còn phải lấy xe máy xuống tận dưới bản, cách đây khoảng 2km lấy nước về để nuôi lợn, lúc đó chỉ nuôi lợn theo cách truyền thống, băm cây chuối, cắt rau lang nấu với cảm ngô để làm thức ăn cho lợn, đàn lợn cũng lớn nhanh và bắt đầu cho những lứa lợn con đầu tiên" ông Văn nói.

Đến nay, gia đình ông Quàng Minh Văn đã xây dựng 3 dãy chuồng và nuôi hơn 60 lợn nái, gần 1.000 lợn thương phẩm. Ảnh: Văn Ngọc

Nhận thấy nuôi lợn có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông bắt đầu tăng quy mô lên 100 con, rồi 200 con lợn. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm và vốn, năm 2016, gia đình ông thống nhất vay thêm vốn ngân hàng, tiếp tục tăng quy mô đàn lên 50 lợn này và hơn 500 lợn thương phẩm. 

Hệ thống chuồng trại khép kín với đèn sưởi, hệ thống mái áp chống nóng, hệ thống quạt làm mát. Ảnh: Văn Ngọc

Thế nhưng, hy vọng của chị chưa kịp nhen nhóm thì năm 2017, giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, có thời điểm chỉ còn 15.000 đồng/kg, cùng với dịch bệnh khiến gia đình ông thua lỗ. 

Trong đầu ông đã xuất hiện ý nghĩ từ bỏ chăn nuôi lợn, tìm kiếm công việc khác để phát triển kinh tế gia đình.

Nhưng rồi, niềm đam mê với chăn nuôi lợn và ước mơ làm giàu đã khiến ông không nản chí. Ông dành thời gian tham quan học hỏi các mô hình chăn nuôi lợn hiệu quả và tìm hiểu qua sách báo, tivi để có kinh nghiệm. 

Rồi ông Quàng Minh Văn bàn với vợ con tiếp tục vay vốn ngân hàng để đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại, khép kín chăn nuôi lợn với quy mô lớn.

Mở rộng quy mô nuôi lợn, lãi nửa tỷ mỗi năm

"Chăn nuôi lợn nhỏ lẻ nhiều năm tôi nhận thấy không mang lại hiệu quả cao. Nhiều đêm tôi trăn trở tìm cách đột phá trong chăn nuôi, làm giàu trên quê hương. Một hôm thấy trên truyền hình phát hình ảnh mô hình chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ cao, lợn ít dịch bệnh, thu lãi lớn nên tôi quyết định làm vụ lớn, đầu tư công nghệ vào chăn nuôi lợn", ông Văn nói.

Với suy nghĩ đó, năm 2018, ông Văn xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín với đèn sưởi, máng ăn tự động, hệ thống mái áp chống nóng, hệ thống quạt làm mát,… để chăn nuôi lợn nái, lợn thịt.

Bên cạnh đó, ông Văn còn sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ xử lý chất thải (hầm biogas, đào ao xử lý chất thải), làm giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo vệ sinh thú y trong chăn nuôi lợn, giảm dịch bệnh cho đàn lợn.

"Từ khi đầu tư công nghệ vào chăn nuôi lợn, tôi giảm công lao động, giảm chi phí, lợn ít bị bệnh và năng suất cùng chất lượng được nâng cao", ông Văn nói.

Ngoài nuôi lợn nái, lợn thương phẩm, ông Văn còn cung cấp lợn giống. Ảnh: Văn Ngọc

Nói về kinh nghiệm chăn nuôi, Ông Văn, chia sẻ: "Trong chăn nuôi lợn, điều đầu tiên mình phải trau dồi vốn kinh nghiệm. Đặc biệt, chăn nuôi lợn phải làm quy mô lớn chứ nuôi nhỏ lẻ không mang lại hiệu quả cao, đầu tư công nghệ cao vào chăn nuôi.

Để giúp bà con trong bản cùng phát triển kinh tế, ông Văn tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy, suy nghĩ, đổi mới cách làm. Ảnh: Văn Ngọc

Đến nay, gia đình ông đã xây dựng 3 dãy chuồng, duy trì nuôi khoảng 60 lợn nái và gần 1.000 lợn thương phẩm mỗi năm. Với giá lợn hiện nay, mỗi năm gia đình ông thu về lại về hơn 500 triệu đồng

Khu trại nuôi lợn của gia đình ông Quàng Minh Văn, bản Hôm, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Ngoài năng động trong xây dựng, phát triển mô hình nuôi lợn, ông Văn còn tận dụng diện tích đất còn lại trồng cây ăn quả, cây cà phê mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

 

 

Tác giả: Văn Ngọc





 


CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ CHIỀNG CỌ
 
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử UBND Xã Chiềng Cọ
 
Địa chỉ: Bản Hôm - xã Chiềng Cọ - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La
 
SĐT: 02126277377
 
Email: ubchiengco.thanhpho@sonla.gov.vn- Website: https://thanhpho.sonla.gov.vn/chiengco