ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC XÃ HUA LA QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ XÃ LẦN THỨ XXII, NHIỆM KỲ 2020-2025
Lịch sử hình thành

    Hua La là một vùng đất cổ có từ lâu đời. Những người Thái đầu tiên đến đây đã cần cù, chịu khó phát canh ruộng đất, đuổi thú rừng và định cư thành từng bản, mường. Mỗi bản thường có 3-4 dòng họ định cư từ sớm. Cứ như vậy, các thế hệ người dân Hua La đã nối tiếp nhau định cư và phát triển ngay trên mảnh đất của quê hương.

    Thời Hùng Vương, vùng đất Hua La ngày nay thuộc bộ Tân Hưng, một trong 15 bộ thuộc Nhà nước Văn Lang. Sau đó, dưới triều đại nhà Lý, vùng đất này thuộc đạo Lâm Tây. Qua một thời gian có tên gọi là Đà Giang, đến thế kỷ XIV, dưới triều Trần, bộ máy hành chính được kiện toàn từ trung ương đến địa phương, Hua La thuộc châu Gia Hưng, trấn Thiên Hưng. Đây là thời kỳ đồng bào các dân tộc cùng chung sức khai sơn, phá thạch, dựng nên nhiều châu, mường như: Mường Muối, Mường Cây, Mường Tấc, Mường Sang, Mường Vạt. Theo truyền thuyết của người Thái thì vùng đất Mường La có tên gọi là Mường Lạ (Mường trống không), sau đó đọc chệch thành Mường La.

    Theo “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, thời Lê, phủ Gia Hưng có một huyện là Thanh Xuyên và 5 châu gồm: châu Mai, châu Mộc, châu Việt (Yên Châu), châu Thuận, châu Phù Hoa (Phù Yên). Lúc đó, Hua La thuộc châu Thuận, xứ Hưng Hóa. Theo sách “Hưng Hóa phong thổ lục” của Hoàng Bình Chính, đầu đời Lê Hiển Tông (1767-1782), châu Thuận được chia thành 3 châu gồm: Mường La, Mai Sơn, Tuần Giáo.Vùng đất Hua La ngày nay thuộc châu Mường La.

    Sau Cách mạng Tháng Tám năm1945,vùng đất Hua La ngày nay thuộc xã Chiềng Pha với 14 thôn. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1954Châu ủy Mường La quyết định chia xã Chiềng Pha thành hai xã Chiềng Ban và Chiềng Chung. Năm 1958, huyện ủy Mường La ra quyết định sáp nhập 2 xã Chiềng Pha và Chiềng Chung thànhxã Chiềng Chung. Xã Chiềng Chung lúc này có 14 bản[1], dân số có khoảng 1.800 nhân khẩu.

    Từ tháng 5-1955, các châu,huyện của của Sơn La (tên gọi hiện nay) đều trực thuộc Khu tự trị Thái - Mèo, không có cấp tỉnh. Theo Nghị quyết của kỳ họp thứ năm (khóa II), ngày 27-10-1962,đổi Khu tự trị Thái - Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc,tỉnh Sơn La được tái lập, xã Chiềng Chung lúc này thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

    Sau năm 1969, xã Chiềng Chung được đổi tên thành xã Hua La (thuộc huyện Mường La đến năm 1979). Thực hiện Quyết định số 105-QĐ/CP ngày 13-3-1979 của Hội đồng Chính Phủ, tháng 4-1979, xã Hua La cùng 7 xã của huyện Mường La được sáp nhập vào thị xã Sơn La. Năm 1991, một số hộ người Kinh từ Hưng Yên chuyển lên sinh sống ở Hua La, kết hợp với một số hộ người Kinh đã lên Hua La những năm 1960, 1970 được lập thành Hợp tác xã Hoàng Văn Thụ.

    Thực hiện nghị định số 98-2008 NĐ/CP, thị xã Sơn La được nâng cấp thành thành phố Sơn La, xã Hua La là một trong 12 xã, phường của thành phố Sơn La. Đến năm 2015, xã Hua La hoàn thành về mặt địa giới hành chính gồm 15 bản: San, Púa Nhọt, Co Phung, Lun, Nẹ Tở, Nẹ Nưa, Nam, Hoàng Văn Thụ, Bó Cằm, Mòng, Kham, Hịa, Sàng, Pọng, Lụa.


[1]Gồm các bản: San, Lun, Co Phung, Púa Nhọt, Nẹ Nưa, Nẹ Tợ, Nam, Hịa, Kham, Mòng, Bó Cằm, Sàng, Pọng, Lụa.





 



CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HUA LA
 
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử UBND xã
 
Địa chỉ: bản Sàng, xã Hua La, thành phố Sơn La
 
SĐT: 02123 854005 - 0348492696
 
Email: ubhuala.thanhpho@sonla.gov.vn - Website: http://thanhpho.sonla.gov.vn