ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC XÃ HUA LA QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ XÃ LẦN THỨ XXII, NHIỆM KỲ 2020-2025
văn hóa

Hua La vốn là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời. Mỗi dân tộc trên địa bàn đều có những phong tục, bản sắc độc đáo đã tạo nên nét đặc sắc riêng cho vùng đất nằm ở phía Tây thành phố Sơn La.

Người Thái thường ăn cơm nếp và các loại đồ nướng. Gạo nếp được chế biến thành nhiều món khác nhau: xôi, cơm lam, bánh chưng. Bên cạnh đó, người Thái còn ăn cơm tẻ, ngô, măng, thịt, cá,... Hương vị yêu thích của người Thái là chua, cay, đắng. Đồ uống có: rượu sắn, rượu gạo, rượu ngô được dùng trong dịp tết và dùng để đón tiếp khách và cũng dùng trong những bữa ăn hàng ngày.

Người Thái ở và sinh hoạt trong nhà sàn. Việc làm nhà được coi là việc lớn trong một đời người. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện, người dân nơi đây rất coi trọng việc chọn đất, ngày động thổ, chọn người cất nóc. Nhà sàn của người Thái được làm bằng nhiều loại gỗ khác nhau như gỗ nghiến, sến, táu,... Mái nhà lợp bằng cỏ gianh, sàn nhà được làm bằng tre, bương. Kết cấu nhà ở của người Thái thường có 3 gian, nhà khá giả thì làm 5-7 gian với hai đầu hồi (túp hươn) hình cầu vồng.

Trong nhà sàn, gian bên phải được gọi là “tăng quán” (phía ngoài) được bố trí nhiều ghế mây, đệm ngồi... đây là nơi dành cho đàn ông cao niên và là nơi để tiếp khách. Dãy phía trên (hủa non) là nơi để tủ, chăn màn. Bàn thờ tổ tiên được đặt trang trọng ở một góc trong gian quán.

Trang phục truyền thống của người Thái được làm từ sợi bông tự nhiên do bà con trồng, dệt thành vải, nhuộm, sau đó tự cắt may quần áo. Trang sức của người phụ nữ có vòng cổ, vòng tay, hoa tai, trâm... Phụ nữ Thái đen mặc áo cánh ngắn (xửa cóm). Áo thường có màu tối, cổ là loại cổ tròn, đứng, cúc áo hình bướm, ong. Thân áo ngắn, khi mặc cho vào trong cạp váy, tạo dáng ôm chặt lấy thân. Chiếc khăn Piêu đội đầu thêu rất kỹ, màu sắc rực rỡ thể hiện tài năng và sự khéo léo của chị em.

 Nam giới Thái mặc áo cánh xẻ tà, cổ tròn may bó sát, không có cầu vai, có 2 túi dưới. Quần thường là quần ống đứng, rộng, dài đến gót chân. Trong lễ hội, nam giới thường mặc quần áo sặc sỡ. Trong tang ma, họ thường mặc màu trắng, áo may dài, thụng.

Người Thái rất quan tâm đến việc sinh nở và đặt tên cho con. Việc đặt tên cho con sẽ được gia đình làm một cái lễ báo cáo lên tổ tiên, thần linh chấp nhận và bảo vệ trong cuộc sống. Mọi người tham gia ngày lễ này đều vui vẻ chúc mừng cho gia đình và em bé khỏe mạnh, mau lớn, gặp nhiều may mắn.

Đối với người Thái, cây khèn bè, cây pí đã trở thành các nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Pí được làm từ ống nứa, ở phần đầu có gắn một lá đồng mỏng để khi thổi, âm thanh phát ra trong hơn. Đây cũng là nhạc cụ được dùng để bày tỏ tình cảm của tràng trai với cô gái mà mình thích thông qua tiếng pí. Chàng trai đem tiếng pí ra thổi, tiếng pí ngân nga đi vào lòng người.

Cuộc sống thường ngày của người Thái luôn có sự ảnh hưởng rất lớn từ các thầy cúng. Những dịp quan trọng trong gia đình, người Thái đều mời thầy cúng đến làm lễ xin cho mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, công việc làm ăn suôn sẻ và xua đuổi tà ma.

Người Thái có chữ viết riêng và kho tàng vốn văn học dân gian với những tác phẩm nổi tiếng như “Xống chụ xôn xao” (Tiễn dặn người yêu), “Khun Lú - Nàng Ủa” (tập truyện thơ tình dài 2.000 câu)... đã góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Về hôn nhân, người Thái trước kia có tục “Chọc sàn”. Khi mới tìm hiểu, người con trai chưa được phép gặp người yêu trên nhà mà thường hẹn hò nhau ra ngoài sàn tâm sự.Tiếng pí ngân nga là cầu nối bày tỏ tình cảm của chàng trai đối với cô gái.Lễ “Tằng cẩu” (lễ búi tóc người) là nét văn hóa đặc trưng của người Thái.Đồng bào Thái có phong tục ở rể từ 1-3 năm. Ngày đến ở rể phải mang theo một bộ chăn, màn, chiếu, dao, đảm đương mọi công việc trong nhà vợ. Khi hết thời gian ở rể, vợ chồng ra ở riêng hoặc về với bố mẹ chồng thì thành quả lao động được bố mẹ vợ chia cho và còn cho thêm để làm của riêng. Ngày nay, tục ở rể tại địa phương không còn nữa.

Về tang ma, khi gia đình có người chết, người nhà đến nhờ trưởng tộc báo cho họ hàng, bà con dân bản biết. Người Thái tổ chức đám tang kéo dài từ 1 đến 3 ngày tùy theo điều kiện của từng dòng họ, gia đình. Con cháu trong gia đình cùng đóng góp vật chất như gạo, rượu, lợn, gà… thậm chí có cả trâu, bò. Trong đám tang họ phân công con rể phục vụ và đón khách, người con rể đeo bắt dao để tiện phục vụ. Ngoài đội khăn còn đội thêm cả mũ lá chuối cuốn nhọn hình ốc trên đầu, đeo túi nhỏ đựng một cái chuông. Các con dâu đứng túc trực bên quan tài người chết để quạt theo điệu khèn, điệu trống và bài mo của thầy mo. Người Thái chôn theo hình thức địa táng, kiêng đụng chạm tới mồ mả và không có tục cải táng. Nhà mồ của người chết có 4 cột như nhà sàn, có cột cao 5 đến 7 mét để treo các khâu vải dài, nhiều màu sắc.

Một trong những yếu tố làm nên nét đặc sắc của văn hóa Thái chính là suối nước nóng bản Mòng,dòng suối khoáng với nhiệt độ từ 360C đến 380C, với các đặc tính lý hóa, thành phần khoáng chất tự nhiên rất tốt cho việc chữa trị một số bệnh ngoài da, thấp khớp, thần kinh, tim mạch. Trước năm 1997, dịch vụ tắm nước nóng chỉ là hình thức tự phát do một số hộ dân đầu tư xây bể tắm công cộng phục vụ người dân. Từ năm 1997 đến nay đã được hợp tác xã dịch vụ thương mại Hua La khai thác theo hình thức dịch vụ với những phòng tắm được thiết kế, trang trí hợp lý, sạch sẽ, vệ sinh.

Đến với bản Mòng, ngồi trong những nếp nhà sàn truyền thống, quây quần quanh mâm cơm của dân tộc Thái, thưởng thức các món ăn đặc trưng: cá nướng, gà nướng, thịt hun khói, cơm lam, các món nộm rau rừng, chấm cùng “chẳm chéo”- một thứ đồ chấm của người Thái. Những món ăn tưởng chừng đơn giản nhưng khi thưởng thức và cùng trải nghiệm chắc rằng du khách sẽ phần nào cảm nhận được sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ Thái trong việc chế biến món ăn. Khi đêm về, du khách được ngồi quây quần bên bếp lửa hồng vào mùa đông hoặc tụ họp ngoài sàn ngắm trăng vào mùa hè, để cùng nhau nghe những làn điệu dân ca trầm bổng thiết tha do các thiết nữ thể hiện hoặc tiếng sáo véo von của các chàng trai gọi bạn tình, đâu đó xập xình trong điệu múa xòe “Inh lả ơi”.

Cái cảm giác đắm mình trong dòng suối khoáng bản Mòng, thưởng thức những nét văn hóa ẩm thực Tây Bắc, hòa mình bên những điệu xòe tình tứ, thưởng thức rượu cần với những lời mời rượu duyên dáng của những cô gái Thái chắc chắn sẽ làm mọi du khách hài lòng khi tới miền đất nhiều hoa ban nở vào mùa xuân.





 



CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HUA LA
 
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử UBND xã
 
Địa chỉ: bản Sàng, xã Hua La, thành phố Sơn La
 
SĐT: 02123 854005 - 0348492696
 
Email: ubhuala.thanhpho@sonla.gov.vn - Website: http://thanhpho.sonla.gov.vn