Lịch sử phường Quyết Thắng

         Phường Quyết Thắng nằm ở trung tâm Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, phía Đông giáp xã Chiềng Ngần, phía Bắc giáp phường Chiềng An, phía Nam giáp phường Chiềng Cơi, phường Quyết Tâm, phía Tây giáp phường Tô Hiệu.

         Vùng đất phường Quyết Thắng ngày nay chủ yếu nằm trên địa bàn hai bản là bản Giảng và bản Lắc thuộc sổng Lam Ho1 của mường phìa Chiềng An (sau này Mường phìa Chiềng An tách thành lập các xã Chiềng Cơi, Chiềng Đen; các phường Chiềng Lề, Quyết Thắng), châu Mường La xưa. Châu Mường La xưa có 5 mường phìa gồm: mường phìa Chiềng An (hay còn gọi là mường phìa trong); bốn mường phìa này là mường phìa ngoài: mường phìa Mường Bú (Chiềng Biên), mường phìa Mường Trai (Chiềng Nghiêm), mường phìa Mường Chiến (Ngọc Chiến), mường phìa Mường Chùm.

         Mường phìa Chiềng An xưa, là địa bàn của toàn bộ Thành phố Sơn La, bao gồm 7 phường, 5 xã như ngày nay.

         Sau khi đánh chiếm được vùng Tây Bắc, thực dân Pháp thực thi chế độ quân quản đối với các vùng đất mới chiếm đóng. Tháng 3/1888, chúng lập Trung khu Vạn Bú – Nghĩa Lộ, đặt trụ sở tại bản Pá Giang, Tổng Hiếu Trai, châu Sơn La. Ngày 20/8/1891 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập Tiểu quân khu Vạn Bú và Lai Châu, nằm trong Đạo quan binh thứ tư. Ngày 10/10/1895, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định bãi bỏ Tiểu quân khu Vạn Bú và Lai Châu, nhập thành tỉnh Vạn Bú, tỉnh lỵ vẫn đặt tại Bản Pá Giang, châu Mường La. Việc thực dân Pháp chuyển Vạn Bú sang chế độ dân sự chính là thời điểm ra đời tỉnh Sơn La. Ngày 23/8/1904 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuyển tỉnh lỵ Vạn Bú về Chiềng Lề (châu Mường La) và đổi tên tỉnh Vạn Bú thành tỉnh Sơn La. Từ năm 1905 – 1908 chính quyền thuộc địa Pháp cho xây dựng tòa sứ, nhà giám binh, các công sở, nhà tù trên đồi Khau Cả (Chiềng Lề - Mường La). Tỉnh lỵ Sơn La được hình thành tại đây từ đó đến nay.

         Ngày 28/6/1909, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách các châu Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên, Lai Châu, Châu Luân để thành lập tỉnh Lai Châu. Tỉnh Sơn La còn lại 6 châu: Mường La, Mai Sơn, Châu Yên, Châu Thuận, Phù Yên, Châu Mộc.

         Năm 1955, Khu tự trị Thái - Mèo được thành lập, các cơ quan của Khu tạm thời đóng trụ sở tại thị trấn Thuận Châu. Hệ thống tổ chức hành chính Khu gồm 3 cấp: Khu – Châu -  Xã (bỏ cấp tỉnh).

         Năm 1959, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuẩn y việc di chuyển các cơ quan của Khu từ Thuận Châu về thị trấn châu Mường La (lúc đó trên địa bàn khu phố Chiềng Lề) và cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở thị trấn châu Mường La để trở thành thủ phủ của Khu tự trị Thái – Mèo. Cũng thời gian này, Quân khu Tây Bắc thành lập khu nông trang trên địa bàn bản Buổn, xã Chiềng Cơi. Khu nông trang có khoảng 120 hộ với trên 400 nhân khẩu là những gia đình quân nhân, công nhân quốc phòng chuyên chế biến thực phẩm, trồng rau xanh, chăn nuôi lợn cung cấp cho các bếp ăn bộ đội và công trường xây dựng của Quân khu.

         Ngày 26/10/1961, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 173-CP về việc thành lập thị xã Sơn La, trực thuộc Khu tự trị Thái – Mèo. Địa bàn thị xã Sơn La lúc này gồm thị trấn Chiềng Lề, xã Chiềng Cơi, các bản Họ Hẹo, bản Lầu, xã Chiềng An, châu Mường La. Nơi đây trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của Khu tự trị Thái – Mèo, sau này là tỉnh Sơn La.

         Ngày 27/10/1962, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa II quyết nghị đổi tên Khu tự trị Thái – Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc và tái lập tỉnh Sơn La, Lai Châu, thành lập mới tỉnh Nghĩa Lộ. Cấp tỉnh được qui định là đơn vị hành chính có chức năng là cấp kế hoạch và ngân sách trực tiếp với Chính phủ.

Bước vào thực hiện nhiệm vụ mới, hệ thống tổ chức chính trị từ thị xã đến cơ sở được hình thành và xây dựng. Để phù hợp với sự phát triển của đơn vị hành chính cấp thị xã, thị trấn Chiềng Lề đổi gọi thành khu phố Chiềng Lề, cuối năm 1961, thành lập mới  khu phố Quyết Thắng. Khu phố Quyết Thắng lúc này bao gồm toàn bộ địa bàn nông trang của Quân khu Tây Bắc và địa phận dọc Quốc lộ 6 đến khu vực Xưởng Kẹo cũ.

         Theo Quyết định số 03-CP ngày 3/1/1981 của Hội đồng Chính phủ(1), khu phố Quyết Thắng được đổi tên gọi thành phường Quyết Thắng. Địa giới hành chính của phường Quyết Thắng gồm địa bàn khu phố Quyết Thắng và mở rộng dọc Quốc lộ 6 đến giáp ngã ba Mai Sơn (cũ).

         Để phù hợp với sự phát triển đô thị của Thị xã, thực hiện Nghị định số 31-NĐ-CP ngày 16/5/1998 của Chính phủ, phường Quyết Thắng tách thành lập mới phường Quyết Tâm.

           Trải qua các thời kỳ phát triển, địa giới hành chính của phường Quyết Thắng có nhiều thay đổi. Năm 2015 phường Quyết Thắng có 15 tổ dân phố và 1 bản là bản Giảng Lắc. Năm 2019 thực hiện việc sát nhập các đơn vị tổ, bản dân phố phường Quyết Thắng hiện nay có 14 tổ dân phố và 1 bản Giảng Lắc.

( Nguồn Lịch sử Đảng bộ phường Quyết Thắng)

 



1 Thời phong kiến, "Sổng" là một tợp hợp của các bản cũng có thể là một bản có đông dân cư sinh sống, thuộc mường phìa.

1 Ngày 3.1.1980, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 03-QĐ/TW thống nhất:“Từ nay ở nội thành, đơn vị hành chính cấp dưới trực tiếp của thành phố trực thuộc Trung ương đề thống nhất gọi là quận; các đơn vị hành chính cơ sở nội thành, nội thị của các thành phố thuộc tỉnh, thị xã và quận gọi là phường”.

 

image advertisement



CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHƯỜNG QUYẾT THẮNG

Chịu trách nhiệm nội dung: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Phường Quyết Thắng

Địa chỉ: Số 63 - đường Lê Đức Thọ - tổ 13 - Phường Quyết Thắng - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La

SĐT: 02123852424  Email: ubpquyetthang@gmail.com