Lễ cúng dòng họ của người Hmông tỉnh Sơn La

Người Hmông có tập quán sống thành từng bản, theo ngôn ngữ của dân tộc này bản được gọi là Lu Dò (Lu Dò mang ý nghĩa là Tổ), chỉ địa điểm của một nhóm người cùng làm ăn sinh sống và có mối quan hệ họ hàng với nhau.

Bản có mối quan hệ riêng, gắn bó với dân bản qua nhiều thế hệ và ít có sự thay đổi. Theo quan niệm của người Hmông có 3 nhà trở lên, không phân biệt cùng họ hay khác họ, cùng cư trú trên một khu vực nhất định thì được gọi là bản, họ cho rằng có như vậy "lúc tối lửa tắt đèn", khi gặp tai nạn, ốm đau, trộm cướp xẩy ra mới có thể giúp nhau được. Điều này thể hiện tính cộng đồng rất cao của người Hmông. Như vậy, để hình thành một bản, người Hmông ở Sơn La có hai hình thức tập hợp, đó là tập hợp theo quan hệ láng giềng và tập hợp theo quan hệ huyết thống.

Người Hmông cư trú chủ yếu ở trên các rẻo đồi, núi cao; hình thức tập hợp bản thường theo hình vành khăn từ lưng chừng đồi, núi trở lên. Cũng có một số bản Hmông nằm ở thung lũng tương đối bằng phẳng. Theo chính sách "Hạ sơn" của tỉnh, một số bản Hmông đã di chuyển từ các vùng núi cao xuống vùng thấp hơn, thuận tiện cho cuộc sống. Bản người Hmông thường có số gia đình ít nhưng diện tích bản lại lớn nên khoảng cách giữa các gia đình trong bản thường khá xa nhau.

Kinh tế truyền thống của người Hmông chủ yếu là canh tác nương rẫy, lương thực chủ yếu là lúa, ngô; hoa mầu (bí, bầu, y dĩ); săn bắt, hái lượm là nguồn thu nhập phụ. Người Hmông có một số nghề thủ công truyền thống đặc sắc như: rèn, dệt vải; in hoa văn sáp ong, thêu thùa; làm giấy, đan lát, làm đồ mộc; chế tác nhạc cụ, đồ trang sức... Sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho cuộc sống gia đình và một phần dùng để trao đổi.

Trong lịch sử phát triển, dân tộc Hmông đã sáng tạo ra một nền văn hoá truyền thống, đậm đà bản sắc, có giá trị cao. Mặc dù sống phân tán, trải qua nhiều cuộc thiên di, nhưng người Hmông ở Sơn La vẫn gìn giữ được bản sắc tộc người cũng như kho tàng văn hoá truyền thống đặc sắc.

Ở Sơn La, người Hmông có dân số khá đông chiếm 12,99% dân số toàn tỉnh (đứng thứ 3 trên tổng số 12 dân tộc anh em); được phân thành các ngành: Hmông hoa (Hmông lềnh), Hmông trắng (Hmông đơ) và Hmông đen (Hmông đu). Họ cư trú ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó tập chung chủ yếu ở các huyện: Thuận Châu, Yên Châu, Mộc Châu, Bắc Yên, Mường La, Sốp Cộp.

Người Hmông quan niệm (vạn vật hữu hình, đa thần giáo). Họ cho rằng ngự trị, quản lý và điều hành thế giới vạn vật là một lực lượng siêu nhiên, lực lượng siêu nhiên đó được gọi là ma; Ma có ở mọi nơi, mọi lúc. Thế giới vạn vật như: Đất đai, rừng núi, sông suối, cây cỏ, chim muông, dã thú… đều có linh hồn và là một thực thể sống. Con người phải biết thờ cúng, kiêng kỵ. Biết làm các nghi lễ để cầu may ma lành (ma tổ tiên, ma nhà,…) phù hộ, bảo vệ. Tuy nhiên nếu không cúng bái đầy đủ thì ma lành cũng quấy nhiễu, gây ra bệnh tật, tai nạn, mất mùa…

Từ quan niệm đó, người Hmông đã hình thành một lễ thức tôn giáo và các điều kiêng kỵ trong phạm vi một bản, một dòng họ, trong gia đình… Các nghi lễ tôn giáo chung của một cộng đồng trong bản hay trong dòng họ được tổ chức thành các lễ hội của người Hmông: Nào Sồng, Cầu Mùa, Cầu May, Tu Su, Giữ Máu... Trong các lễ nghi mang tính chất tâm linh đó thì nổi bật là Lễ cúng dòng họ với nhiều tên gọi khác nhau ở từng ngành Hmông: Tu Su, Ùa Su, Dù Su, Dù Tàu…

Lễ cúng dòng họ của dòng họ của người Hmông được tổ chức hàng năm, hoặc 3 - 5 năm/ lần, tùy theo từng dòng họ, ngành Hmông khác nhau.

+ Lễ cúng hàng năm: Được tất cả các dòng họ của người Hmông tổ chức với quy mô gồm những người cùng dòng họ, thờ cùng ma trong một bản. Tùy theo từng dòng họ, ngành Hmông mà có tên gọi khác nhau: Tu Su, Ùa Su, Dù Su, Sầu Su, Dù Tàu, Giữ Máu.

+ Lễ cúng 3-5 năm/ lần, được tổ chức ở một số dòng họ, ngành Hmông nhất định (ngoài việc tổ chức hàng năm): chủ yếu là ngành Hmông trắng còn được gọi là Thi su (nghĩa là cúng cho người Hmông trong cùng dòng họ ở quy mô lớn vượt ra khỏi phạm vi bản, xã, huyện).

- Thời gian tổ chức: Cũng tùy theo dòng họ, ngành Hmông mà tổ chức vào thời gian khác nhau, nhưng đa số các dòng họ đều tính theo ngày âm, tổ chức lễ cùng dòng họ hàng năm từ tháng 5 - 9 âm lịch; Lễ cúng dòng họ 3-5 năm/ lần vào tháng 3 âm lịch (ngày 13 hoặc 23/3)

(Người Hmông tính theo lịch âm, họ quan niệm đây là những ngày xấu nhất trong năm nên Người Hmông cần tổ chức làm lễ cúng cầu may, giải hạn trong những ngày này).

Lễ cúng dòng họ được chia làm hai phần:

+ Phần đầu (Tu, Dù, Sầu...): Nghĩa là cầu, làm lễ cầu cúng thần linh về phù hộ cho con người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi phát triển.

+ Phần hai (Su): Nghĩa là nạn, là phần thầy cúng nhờ sức mạnh của thần linh thu hết những tai nạn, rủi ro, bệnh tật, khó khăn... làm phép để bảo vệ con người khỏi bệnh tật, rủi ro, khó khăn...

* Lễ cùng hàng năm: Là lễ cúng của của ngành Hmông trắng.

Thành phần tham gia Lễ cúng gồm toàn bộ nam giới trong dòng họ, không kể già hay trẻ.

Trước mấy ngày khi diễn ra lễ cúng, đại diện các hộ gia đình tổ chức một cuộc họp để bàn bạc và thống nhất chọn 01 gia đình trong dòng họ để tổ chức Lễ cúng. Gia đình được chọn phải có người chủ gia đình là người cao tuổi, trưởng dòng họ của bản, thuộc bậc trên có uy tín với người dân trong dòng họ, trong bản. Thường là năm nào cũng chọn gia đình này cho đến khi người chủ gia đình mất đi, thì người trưởng họ của bậc dưới sẽ tiếp tục được chọn để tổ chức Lễ cúng. Trong cuộc họp, sau khi đã chọn được chủ nhà để tổ chức lễ cúng. Chủ nhà sẽ là người tổ chức chọn chủ lễ, chính là thầy cúng.

Người ta chọn chủ lễ bằng cách bói trứng gà (Chủ nhà cũng có thể làm chủ lễ nếu được thần linh chấp nhận, thầy cúng được chọn không nhất thiết phải cùng dòng họ không nhất thiết phải cùng bản). Tùy thuộc vào số hộ gia đình nhiều hay ít mà chủ nhà hay trưởng họ quyết định chọn số lượng thầy cúng (từ 1 đến 3 thầy cúng), trong đó có 1 thầy cúng chính. Lễ cúng sẽ chia thành 02 phần: Cúng chung cho cả dòng họ và cúng riêng cho từng gia đình. Sau khi cúng chung cho cả dòng họ xong, số hộ trong họ được chia ra, mỗi thầy cúng làm lễ cho khoảng từ 20-25 gia đình trong họ.

Sau khi chọn được thầy cúng, dòng họ sẽ cử đại diện là hai người biết nói tốt để đi mời thầy cúng về cúng. Người đi mời thầy cúng không nhất thiết phải là người già nhưng phải là đàn ông và am hiểu về cách mời thầy cúng.

Lễ vật để cúng: do chủ nhà chuẩn bị gồm: 01 con gà trống to để làm lễ; Một hoặc hai con lợn để làm cơm mời cả họ ăn; Tiền mặt: Tùy thuộc vào từng dòng họ; 01 con gà: Trả công cho thầy cúng; Tiền trả công cho người mang đồ lễ đi chôn; Tiền âm phủ. Một số lễ vật khác có sự khác biệt giữa các ngành Hmông:

+ Ngành Hmông trắng: Chuẩn bị 01 chiếc lọ đục bằng đá thường là đá xít có đường kính miệng 10cm; chiều cao 30cm, có nắp đậy.

+ Ngành Hmông hoa và Hmông đen: lấy một cây "Giăng" (một loại cây thuộc họ thân đốt, lá tựa lá cây dừa nhưng có gai ở mép, ruột cây xốp) về chôn ở phía sau nhà, sau vách có bàn thờ (xử cang).

Vật chất và đồ lễ của các thành viên trong dòng họ chuẩn bị mang đến góp gồm: Mỗi một thành viên trong dòng họ (là nam giới không kể già, trẻ) khi đi tham gia Lễ cúng phải mang theo 03 sợi chỉ màu: vàng, xanh, đỏ và 01 con gà trống; Thịt lợn; gạo; rượu... đủ cho các thành viên trong họ ăn 3 bữa chính;

Lễ vật do các gia đình đóng góp cũng có sự khác nhau giữa các ngành Hmông:

+ Đối với các ngành Hmông hoa và Hmông đen mỗi gia đình mang đến 03 bông lau.

+ Đối với ngành Hmông trắng dùng giấy màu.

Người ta làm một bàn thờ cho thầy cúng, ở vách sau của gian giữa, cạnh bàn thờ tổ tiên. (Trong trường hợp nếu chủ nhà không phải là thầy cúng; còn nếu chủ nhà là thầy cúng thì đã có bàn thờ của thầy cúng rồi, không cần làm thêm)

Thầy cúng mang theo dụng cụ gồm 02 bộ, mộ bộ đặt lên bàn thờ, một bộ làm đạo cụ để thực hiện lễ cúng.

* Ngày đầu tiên của lễ cúng:

Đại diện cho dòng họ rót rượu mời thầy cúng, nói lời nhờ thầy cúng. Thầy cúng nhận lời và bắt đầu làm lễ. Thời gian cúng khoảng 3giờ - 4 giờ tuỳ thuộc vào việc các thần linh (ma rừng, ma núi) chấp nhận lời khẩn cầu của thầy cúng sớm hay muộn; dòng họ trong bản nhiều hay ít người. Khi được thần linh chấp nhận lời mời thì lễ cúng kết thúc. Chủ nhà cắt một ít hình nhân bằng giấy, đốt giữa nhà để "lót tay" cho thần linh, ma rừng, ma núi đã về nhà mình dự Lễ cúng. Trong lễ cúng phải đốt hương liên tục.

* Ngày thứ hai: là lễ chính.

Lễ cúng này cũng diễn ra tại bàn thờ thầy cúng, cạnh nơi thờ ma nhà (xử cang). Trước lễ cúng, ngay từ sáng sớm thầy cúng đã đi thăm tất cả các gia đình của dòng họ ở trong bản để xem xét gia cảnh của các gia đình: gia đình giàu hay nghèo, có nuôi nhiều gia súc, gia cầm không, có ai ốm đau, tai nạn không... việc làm này là để đến khi thầy cúng cầu khấn thần linh cho chính xác. Ví dụ: nếu gia đình nào có người ốm thì thầy cúng xin thần linh cho được khỏi bệnh, gia đình nào khó khăn thì xin thần linh cho làm ăn được phát đạt...

Khoảng 8 giờ sáng, thầy cúng bày bàn thờ. Trên bàn thờ đặt bộ đồ cúng của thầy cúng, dưới đất có 01 con gà trống buộc chân bằng 3 sợi chỉ màu vàng, xanh, đỏ (đây là con gà của chủ nhà);

Một số người cắt giấy màu và hình nhân để làm đồ lễ. Lễ cúng ngày thứ hai được diễn ra liên tục, bắt đầu từ 8 giờ sáng đến khi nào xong, gồm 3 phần: phần cúng chung; lần lượt cúng hết cho các hộ gia đình và cuối cùng là lễ cúng tiễn đưa các thần linh trở về. Lễ cúng kết thúc vào lúc nào là tuỳ thuộc vào thầy cúng.

Phần 1: Bài cúng chung:

Gia đình chuẩn bị đồ lễ, thầy cúng khấn để cho thần linh về nhận đồ lễ.

Các thành viên là nam giới trong dòng họ tập trung đông đủ giữa nhà, trước bàn thờ nơi thầy cúng ngồi hành lễ. Đại diện dòng họ nhờ thầy cúng cúng cho gia đình, dòng họ. Thầy cúng nhận lời và thực hiện Lễ cúng chung, đốt tiền âm phủ và xin phép thần linh được thực hiện lễ cúng. Thầy cúng cầm cuộn chỉ đi vòng quanh những người trong dòng họ, sợi chỉ tạo thành hàng rào quấn quanh con cháu có ý nghĩa bảo vệ con cháu trong dòng họ, dòng họ tạo thành một khối đoàn kết. Sau đó vừa thực hiện các nghi lễ khác vừa khấn cầu mong thần linh phù hộ cho các gia đình khỏe mạnh, giống nòi phát triển, mọi người đoàn kết, yêu thương… Phần cúng chung kết thúc, con cháu giải tán.

Phần 2: Cúng cầu xin cho từng gia đình:

Người ta đem lọ đá để gom hết các mảnh giấy màu hình vuông xanh đỏ cho vào lọ đá. Đặt cho mỗi gia đình một số hình nhân bằng giấy và những sợi chỉ màu của các gia đình đem đến. Đại diện dòng họ nhờ hai người đi chôn lọ đá và nhờ các thầy cúng tiếp tục thực hiện lễ cúng cho từng hộ gia đình.

Có hai người trong dòng họ được cử ra để phụ giúp hai thầy cúng, họ đánh chiêng liên tục trong vòng 20' để giúp hai thầy cúng nhập hồn. Khi hai thầy cúng đã gặp được thần linh thì họ ngồi để nghe thông điệp của hai thầy cúng. Có một người nữa phụ giúp ngồi ở giữa nhà để xem thông điệp của thầy cúng là gì thì làm theo. Hai thầy cúng, mỗi người sẽ cúng cho từng gia đình. Cứ sau khi cúng cho gia đình nào thì người phụ giúp lại nhặt chỉ màu và hình nhân của gia đình đó đã được để sẵn trên nền nhà cho vào lọ đá. Tùy theo từng gia đình mà thời gian cúng chậm hay nhanh, đó là tuỳ thuộc vào thầy cúng tiếp xúc với thần linh thế nào. Ngoài ra còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình mà thầy cúng yêu cầu đốt hương, đốt giấy hay giữ lại hình nhân bằng giấy (tuỳ thuộc vào gia đình có người bị bệnh, tai nạn hay chăn nuôi không tốt...). Lễ cúng cứ tiếp tục cho đến khi cúng xong hết cho các gia đình. Thầy cúng yêu cầu đưa con gà trống đỏ ra, buộc ở giữa nhà, cạnh chiếc lọ đá cho thần linh chứng kiến, cửa chính được mở ra, thầy cúng nhảy trên ghế, quăng mạnh nhạc cụ trên tay ra cửa, khi nào nhạc cụ đó được quăng qua cửa thì coi như đã đuổi được ma dữ, những điều rủi ro, bệnh tật. Người ta mang chiếc lọ đá đựng toàn bộ giấy mầu, chỉ mầu của các thành viên trong dòng họ, con gà trống đỏ ra ngoài cửa để mang đi chôn và nhanh chóng đóng cửa chính lại. Lễ cúng cho từng gia đình kết thúc.

Phần 3: Cúng tiễn các thần linh về trời:

Sau khi kết thúc lễ cúng riêng cho từng gia đình, Thầy cúng tiếp tục lễ cúng tiễn đưa thần linh về trời.

Hai người mang theo một số vật dụng như: cuốc xẻng, nồi, củi, nước, lửa... đi về hướng tây, hướng mặt trời lặn, cách nhà khoảng 200 - 500m để chôn lọ đá. Địa điểm chôn chiếc lọ đã được thầy cúng và chủ nhà chọn trước. Chôn xong, họ mổ gà rồi ăn hết thịt con gà đó mới quay trở về nhà chủ.

Ở nhà, thầy cúng thực hiện bài cúng cuối cùng tiễn đưa thần linh về trời, khoảng 15-20'. Sau khi tổ chức xong phần lễ, các gia đình tổ chức bữa cơm thân mật.

* Lễ cúng của ngành Hmông hoa và Hmông đen:

Các bước tiến hành cơ bản giống như người Hmông trắng, tuy nhiên có một số động tác, lễ vật khác: Khi bắt đầu buổi lễ, Trưởng họ tập hợp các thành viên nam trong dòng họ lại đứng tập trung thành một khối cách chiếc bàn bày lễ một khoảng cách thuận tiện cho thấy cúng (hoặc trưởng họ) thực hiện lễ cúng. Khi mọi người đã tập trung thành khối; thầy cúng vai vác cây "Giăng" có treo bó lau; tay cầm 1 bầu rượu và cuộn chỉ chín màu khác nhau (đã chuẩn bị sẵn) đo vòng quang khối người theo chiều ngược kim đồng hồ để cuốn các sợi chỉ quanh khối người; miệng khấn bằng tiếng Hmông nội dung cầu xin ma núi, ma rừng, sông suối… phù hộ cho cả dòng họ, trồng trọt, chăn nuôi phát triển; trẻ con, người già luôn khỏe mạnh… giống nòi phát triển đông đúc. Khi đi đủ 9 vòng xung quang khối người, đến điểm đầu tiên của cuộn chỉ thì thầy cúng đứng lại và cắt đầu mới cuộn chỉ đã cuốn, sau đó dùng các sợi chỉ đó cuốn xung quanh bó lau ở phần cuống. Cây "Giăng" vác trên vai được thầy cũng đặt xuống chôn tại cửa nhà và cầm con dao nhọn trên bàn chặt 1 nhát đứt toàn bộ phần ngọn bó lau đồng thời 1 người khác họ được nhờ phụ lễ cúng cầm chiếc nỏ trên bàn, bắn mũi tên lên trời theo hướng mặt trời mọc với ý nghĩa đuổi hết mọi điều không may mắn của năm cũ.

Tiếp theo thầy cúng tay cầm dao nhọn cùng người phụ lễ quay về của chính ngôi nhà theo hướng ngược kim đồng hồ. Đến trước cửa chính thầy cúng cầm dao và người phụ lễ cầm nỏ giơ lên 1 góc 450 chụm mũi dao và nỏ với nhau tạo thành một chiếc cổng. Lúc này cây "Giăng" đã được nhổ lên đặt dưới cổng. Mọi thanh viên trong dòng họ lúc đó đi từ nơi làm lễ về phía cửa chính theo hướng ngược chiều kim đồng hồ và lần lượt từng người bước qua dưới chiếc cổng đó - kết thúc lễ cúng dòng họ . Cây "Giăng " được thanh niên trong họ mang đi vứt xuống vực sâu, khe núi ở hướng mặt trời lặn.

Người giúp việc bắn mũi tên được hưởng 1 sàng ngô bắp và con gà buộc dưới bàn lễ. Cuối buổi lễ mọi người tham dự cùng gia đình tổ chức buổi lễ cúng cùng ăn một bữa cơm thân mật cho sự đóng góp một phần của các hộ gia đình trong họ; còn thực phẩm của bữa ăn chủ yếu là của gia đình được giao làm lễ.

* Riêng đối với người Hmông hoa, gia đình nào đăng ký tổ chức Lễ cúng dòng họ năm sau phải làm Lễ tạ ơn. Lễ tạ ơn được tổ chức Tại chủ nhà nhận tổ chức năm sau. Đây là một lễ bắt buộc mà chủ lễ cúng phải làm sau khi giao cho chủ khác trong dòng họ, từ 22 giờ ngày 29 tết đến 5 giờ sáng ngày 30 tết (tết Hmông).

Lễ vật gồm 1 con gà trống lông màu đỏ; 3 sâu lá cây chân gà (lá cây có hình chân gà: tiếng Hmông gọi là "Tơ Ca" khi đốt kêu lép bép); 2 chén rượu; các loại ngô trắng, ngô đỏ, đỗ tương được cho vào một chiếc mẹt (hoặc sàng) người làm lễ (chủ nhà) vừa khấn vừa cho tay vào sàng đảo số ngô trắng, ngô đỏ, đỗ tương. Khấn xong chủ lễ bốc và tung ngô trắng, ngô đỏ, đậu tương tung ra bốn phía quanh nhà.

2. Lễ cúng 3-5 năm/lần:

Lễ cúng này chủ yếu của các dòng họ của người Hmông trắng; ngành Hmông đen và Hmông hoa chỉ cúng hàng năm. Lễ cúng còn có tên gọi khác là: Thi su. Tổ chức vào ngày 13/3 hoặc ngày 23/3 âm lịch tại gia đình trưởng họ có người cao tuổi nhất. Thành phần tham gia lễ cúng gồm toàn bộ nam giới trong dòng họ (không kể già trẻ) cư trú tại các bản trong xã, khác xã cùng ma thì tham gia lễ cúng.

Việc chọn thầy cúng, địa điểm làm lễ cũng như công tác chuẩn bị được thực hiện như lễ cúng hàng năm. Chủ nhà ghi tên từ 5 đến 7 thầy cúng của dòng họ để chọn lấy 4 thầy cúng. Việc chọn thầy cúng phải đảm bảo một số tiêu chí sau: Thầy cúng không có tuổi lẻ như số 3,7,9 (ví dụ: 43, 47, 49…); Thầy cúng có sức khỏe; Trong năm đó gia đình thầy cúng không có vận hạn, tang ma gì; Thầy cúng phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm, dùng cách bói trứng để chọn thầy cúng.

* Chuẩn bị lễ vật do chủ nhà chuẩn bị giống như lễ cúng hàng năm của người Hmông trắng. Ngoài ra, chuẩn bị thêm gạo tẻ: 1,5 kg dùng cho thầy cúng thứ 4 đeo mang theo để ăn dọc đường (Bà con quan niệm rằng khi thầy cúng lên mường trời, đường xá xa xôi cần phải mang theo lương thực ăn dọc đường đảm bảo sức khỏe để gặp thần linh chuyển tải những mong ước của họ Mùa tới thần linh); Hạt Y dĩ: 1 bát rang nở; Rượu trắng: 2 lít dùng để đặt ở bàn thờ và mời thầy cúng trước khi cúng.

Việc chuẩn bị bàn thờ cũng giống như lễ cúng hàng năm.

Toàn bộ thành viên nam trong dòng họ ở nhiều bản khác nhau, ai không đi được có thể nhờ người trong dòng họ gửi lễ giúp.

Vật chất của các thành viên trong dòng họ chuẩn bị:

Tất cả nam giới trong dòng họ tham dự lễ cúng cần phải có vật chất kèm theo đó là: Tiền mặt: Mỗi nam giới trong dòng họ (kể cả già hay trẻ) khi đi dự lễ hoặc không dự lễ đều nộp quỹ chung là 25.000đ/ người; 3 sợi lanh màu xanh, đỏ, vàng; Dao, kiếm, súng bằng gỗ: Mỗi người làm cho mình 1 con dao, 1 cái kiếm, 1 khẩu súng bằng gỗ (Người Hmông gọi là gỗ ma - Ca thinh) mềm lấy từ trên rừng về đẽo nhỏ, dài từ 10 - 15 cm, dùng thân cây cỏ gianh hoặc sợi vải đỏ buộc kết thành dây tượng trưng, đó là vũ khí cần thiết cho tất cả nam giới để bảo vệ gia đình, dòng tộc, cũng là vũ khí dùng săn bắn để đảm bảo cuộc sống cho gia đình mỗi thành viên trong dòng họ.

* Ngày đầu tiên

Công tác chuẩn bị cũng giống như Lễ cúng hàng năm.

Lễ trình được bắt đầu vào 14h ngày đầu tiên. Nội dung cũng giống như lễ cúng hàng năm, chỉ khác là có 4 thầy cùng cúng một lúc. Thời gian cúng diễn ra khoảng 2,5 - 3,5 giờ tùy thuộc vào ma rừng ma núi xem có ủng hộ lời thỉnh cầu của thầy cúng hay không.

Trong lễ cúng, nam giới ngồi tập trung trong nhà, ngoài sân rất đông đúc, vừa tham gia lễ giải hạn vừa thể hiện sức mạnh của dòng họ.

* Ngày thứ hai của lễ cúng

Phần cúng này do cả 4 thầy cúng cùng thực hiện có 02 nội dung:

- Phần 1: Cúng chung, xin dâng lễ vật

- Phần 2: Cúng riêng cho từng hộ gia đình

8 giờ sáng, Chủ nhà thắp 3 nén hương khấn tổ tiên, tiếp theo mời ông trưởng ban đại diện dòng họ cùng 4 thầy cúng ngồi hội ý trước bàn thờ. Ông trưởng ban đại diện báo cáo với các thầy cúng trong 3 năm qua những gia đình nào trong dòng họ gặp phải vận hạn gì? Mức độ nguy hại đến đâu? Đời sống có ổn định không? Việc tăng gia chăn nuôi có gặp khó khăn gì? Sản xuất có thuận lợi không? Tất cả những khó khăn gặp phải đã giải quyết được như thế nào? Trao đổi với thầy cúng về những điều mong muốn của của bà con…Sau khi thầy cúng đã nghe báo cáo tình tình vận hạn, những đề xuất của bà con. Thầy nhận lời cúng cho tất cả mọi gia đình và lưu ý tới một số gia đình gặp khó khăn.

Lễ chính được diễn ra vào lúc 10 giờ ngày thứ hai.

Phần 1: Cúng chung xin dâng lễ vật

Phần cúng này để trình với thần linh, tổ tiên những lễ vật dòng họ dâng lên, mong thần linh tổ tiên nhận và phù hộ.

Phần 2: Cúng riêng cho từng hộ gia đình

Thực hiện việc cúng cho các gia đình bắt đầu từ 11h thứ hai (khi xong lễ cúng chung). Phần cúng này cũng giống như lễ cúng hàng năm. Tuy nhiên, lọ đá đựng đồ lễ được đậy kín để vào góc nhà, hôm sau mới đi chôn.

Việc cúng riêng cho từng hộ gia đình được phân chia rõ ràng.

Thầy cúng nhập hồn "bay lên không trung" đến từng hộ gia đình xem xét thực tế họ ăn ở thế nào? gặp ma nhà trao đổi, dặn dò cách bảo vệ trông nom cho gia chủ cẩn thận để gia chủ khỏi gặp phải cảnh tai ương. Thời gian cúng cho mỗi gia đình không giống nhau, tùy thuộc vào việc thầy cúng tiếp xúc với thần linh, ma nhà nhanh hay chậm. Lễ cúng cứ tiếp tục cho đến khi cúng xong hết cho các gia đình.

Ngày thứ ba của lễ cúng

- Phần cúng tiễn thần linh về trời: Phần này do một thầy cúng đảm nhiệm được gọi là cúng dê (Ủa nưng trì )

+ Chuẩn bị:

Thầy cúng làm ghế nhỏ gồm có 7 tầng (thể hiện 7 vía của người đàn ông) để thầy mo bước lên trời gặp đấng thần linh tối cao nhất. Ghế cao nhất là 30cm, dài 25cm, rộng 6cm. Ghế thấp nhất cao 2cm, Dài 10cm, rộng 3,5cm. Chân ghế làm bằng tre, mặt ghế làm bằng gỗ; Ghế do chính tay thầy mo làm. Hai ghế to đặt chồng lên nhau dùng cho thầy mo ngồi để cúng.

Bàn thờ, dụng cụ cúng: Sử dụng nguyên của ngày hôm trước, đặt thêm 21 tờ giấy cắt hình chữ nhật dài 20cm, rộng 7 cm.

Đại diện dòng họ chọn mua 1 con dê đực nặng khoảng 60 kg. Con dê được buộc bằng dây thừng dẫn vào đứng giữa nhà. Trên lưng con dê là tất cả lưỡi kiếm, con dao, khẩu súng bằng gỗ do các hộ gia đình chuẩn bị trước kết thành dây.

Thầy cúng chuẩn bị 9 cờ 3 màu hình tam giác nhỏ. Sau khi mặc trang phục giống ngày hôm trước, thầy cúng cắm 3 cờ nhỏ trên trán, 3 cái sau lưng, 3 cái đeo lên đầu con dê; một túi nhỏ đựng 2 kg gạo; một nồi nhôm loại nhỏ để nấu cơm; một cái nỏ cũ. Tất cả những vật dụng này buộc lại đeo trên lưng thầy cúng. Thầy cúng cắt 3 đôi dây hình nhân thế mạng bằng giấy trắng, mỗi dây 10 người.

* Phần cúng:

7h 30' ngày thứ ba, đại diện dòng họ rót rượu mời thầy cúng, chúc thầy cúng thành công trong việc tiễn thần linh lên trời. Thầy cúng xin phép thần linh và thực hiện lễ cúng. Thời gian cúng diễn ra 2 tiếng liên tục.

8h 50' thầy cúng cho phép thanh niên trong dòng họ dẫn dê và lọ đá ra cánh đồng. Cả đoàn người dắt dê và bê lọ đá đi về hướng tây để chôn lọ đá, xua đi những điều xấu xa vận hạn của gia đình dòng họ. Địa điểm chôn lọ đá đã được thầy cúng và chủ nhà chọn trước. Sau khi chôn xong, họ mổ uôn con dê, nấu chín, tất cả những người có mặt cùng ăn thịt dê, uống rượu trắng vui vẻ khi nào hết mới quay về nhà chủ cúng (Khi ăn thịt dê, mọi người phải ăn hết toàn bộ con dê để xóa đi mọi rủi ro, đen đủi, không may mắn. Trong trường hợp không ăn hết được thì mọi người có thể mang về nhà mình nhưng tuyệt đối không được mang về nhà vừa tổ chức lễ cúng).

Tại gia đình chủ cúng đã mổ lợn, sắp cơm nước đầy đủ, đây là bữa cơm kết thúc lễ cúng. Chủ cúng, đại diện dòng họ ngồi mâm đầu để họp rút kinh nghiệm; Toàn bộ nam giới trong dòng họ ngồi đông đủ để tâm sự, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Ở phần này cho phép những người đàn ông được uống rượu say, ngủ tại nhà chủ cúng ngày hôm sau mới ra về.

Mọi kiêng kỵ sau lễ cúng cũng giống như lễ cúng dòng họ hàng năm.

Kết luận:

Lễ cúng dòng họ là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng dân tộc Hmông. Đây là lễ cúng của tập thể những người cùng huyết thống, do vậy, Lễ cúng dòng họ là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, thể hiện sự gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau của cả dòng họ, thúc đẩy, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng làng, bản, xã.

Lễ cúng dòng họ thể hiện quan niệm của người Hmông về thế giới tâm linh, tín ngưỡng đa thần giáo và thể hiện quan niệm về gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản cũng như cố kết cộng đồng của người Hmông ở Sơn La.

Lễ cúng dòng họ là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng dân tộc Hmông. Đây là lễ cúng của tập thể những người cùng huyết thống, do vậy, Lễ cúng dòng họ là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, thể hiện sự gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau của cả dòng họ, thúc đẩy, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng làng, bản, xã.

Lễ cúng dòng họ thể hiện quan niệm của người Hmông về thế giới tâm linh, tín ngưỡng đa thần giáo và thể hiện quan niệm về gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản cũng như cố kết cộng đồng của người Hmông ở Sơn La.

Duy trì lễ cúng dòng họ trong cộng đồng, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, lưu giữ ngôn ngữ truyền thống của tộc người, bảo vệ và phát huy các tri thức bản địa.

Lễ cúng dòng họ của người Hmông tỉnh Sơn La đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1