Độc đáo kiến trúc Tháp Mường Và của dân tộc Lào tỉnh Sơn La
Huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La là vùng đất hội tụ, sinh sống của 7 dân tộc trong đó có dân tộc Lào. Hơn 400 năm trước, tại xã Mường Và, được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, người dân tộc Lào đã xây dựng lên tháp Mường Và. Từ đó đến nay công trình này được coi là biểu tượng của tình đoàn kết, mang đậm dấu ấn văn hoá của dân tộc Lào tại tỉnh Sơn La.

Di tích lịch sử Tháp Mường Và có chiều cao 13m với kiến trúc độc đáo.

Tọa lạc tại xã Mường Và, cách trung tâm huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La khoảng 7,5km về phía Đông Nam, tháp Mường Và nằm trong hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Sơn La, là một công trình kiến trúc linh thiêng, cổ kính được nhân dân địa phương tự hào, tôn sùng và bảo vệ từ bao đời nay. Mường Và theo tiếng địa phương có nghĩa là miền đất đông người tập trung sinh sống, đất đai bằng phẳng màu mỡ, phong cảnh đẹp.

Theo truyền thuyết kể lại thì vào Thế kỷ 17 có một thầy địa lý người Hoa đi qua vùng đất này thấy có cảnh đẹp, về địa lý thuận lợi, đằng sau Bản Mường Và là dãy núi chạy dài, đằng trước là một cách đồng rộng lớn, có con suối chảy qua. Dựa theo thuyết phong thuỷ thì đây là một vùng đất đẹp và ổn định. Ông thầy địa lý đã bàn với Chẩu Hua (Người đứng đầu trong vùng) để xây dựng chùa và tháp.

Chẩu Hua đã huy động lực lượng nhân dân trong vùng khởi công đắp quả đồi ngay tại trung tâm bản. Đất đắp đồi được lấy từ hai bên cạnh và đằng sau Tháp (hiện nay xung quang tháp còn dấu tích 3 chiếc hồ lớn). Sau khi đắp đồi xong, Chẩu Hua cho xây Tháp và dựng chùa, đây là nơi sinh hoạt không thể thiếu của cộng đồng, nơi để người dân đến lễ phật, nghe kinh, nơi tập hợp toàn dân vào những ngày lễ hội và bàn bạc đến những vấn đề liên quan đến lợi ích chung của cộng đồng. Trải qua chiến tranh và thời gian hiện ngôi chùa đã không còn chỉ còn lại Tháp.

Tháp Mường Và được xây dựng trên ngọn đồi theo hình bút tháp cao 13 m, chia thành 5 tầng, từ xa nhìn thấy tháp vút cao lên nền trời xanh với những đường nét sắc sảo, thanh lịch, tạo thế hiên ngang và uy nghi của công trình. Giữa các tầng tháp trang trí bằng hình lõm (nhìn mặt cắt như hình bán nguyệt). Nơi tiếp giáp với tầng 2 trang trí hoa văn dây xoắn điểm xuyết hoa cúc. Nơi tiếp giáp với tầng 3 được trang trí hình voi đi lên núi... đến tầng 5 trang trí như một búp sen.Tháp được xây bằng gạch vồ, mỗi viên gạch vồ có chiều dài là 35cm, rộng 15cm, dầy 6cm, là loại gạch mầu đỏ được gắn với nhau bằng vôi, cát và mật. Tháp được xây đặc toàn bộ, không có cửa, phân chia 4 mặt khá đều nhau, mỗi mặt quay một hướng.

Đứng từ trên tháp thả tầm mắt sẽ bao quát được cả trung tâm xã Mường Và với cánh đồng rộng lớn và những dãy núi trập trùng bao quanh. Năm 1998, tháp Mường Và được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.

Di tích tháp Mường Và ngoài ý nghĩa về mặt kiến trúc cổ, kiến trúc nghệ thuật, còn được xem là biểu tượng đoàn kết giữa hai dân tộc Việt - Lào. Tháp Mường Và còn là sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại và là nơi nguyện cầu của người dân nơi đây về cuộc sống an bình, no ấm. Trải qua hơn 400 năm trường tồn, tháp Mường Và đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Đến thăm Tháp Mường Và vào thời điểm mùa thu hàng năm, bạn sẽ được thu trọn trong tầm mắt một màu vàng thơm của những cánh đồng lúa nếp Mường Và, Mường Lạn, Púng Bánh ở Sốp Cộp. Phía sau tháp là một dải núi dài ôm lấy tháp, phía trước mắt là một cánh đồng rộng lớn có con suối Nậm Ca chảy qua. Vào lúc sáng sớm hay buổi hoàng hôn, xa xa màn sương giăng như một dòng sông mây ngang sườn núi. Từ trên đồi nhìn bao quát cả trung tâm xã với những cánh đồng lúa rộng, những mái nhà sàn mái lợp ngói phủ mầu rêu phong khiến cho cảnh sắc nơi đây trở nên bồng bềnh, huyền ảo, đẹp như một bức tranh. 

Di tích tháp Mường Và, ngoài ý nghĩa rất quan trọng về mặt kiến trúc cổ, kiến trúc nghệ thuật, còn có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng bởi nằm ngay ở nơi tiếp giáp vùng biên giới giữa Việt Nam và Lào; qua đó khẳng định tình đoàn kết giữa Việt Nam và Lào cũng như mối giao lưu về văn hóa giữa hai dân tộc vùng biên giới là dân tộc Lào và dân tộc Thái ở Sơn La. Những năm gần đây, tỉnh Sơn La rất quan tâm tới di tích này. Ngoài hai lần trùng tu, tỉnh còn xây dựng nhà lưu niệm để lưu giữ những hiện vật có giá trị của di tích còn sót lại.

Hàng năm, vào các dịp lễ hội "Xên Mường", "Khảu hó",... Nhân dân trong vùng nô nức đến xem hội và tham quan tháp Mường Và, tạo điều kiện cho địa phương thúc đẩy phát triển du lịch. Với những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, tháp Mường Và là một biểu tượng văn hóa đặc sắc của vùng biên Sốp Cộp nói chung và dân tộc Lào nói riêng. Nó được coi là sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại, nơi nguyện cầu của người dân về cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

Lê Hồng

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1