ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC XÃ HUA LA QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ XÃ LẦN THỨ XXII, NHIỆM KỲ 2020-2025
Điều kiện tự nhiên

         Xã Hua La nằm ở phía phía Tây Nam thành phố Sơn La.

    Trên địa bàn xã có tổng số 15 bản; (Bản San, Púa Nhọt, bản Lun, Co Phung, Bó Cằm, Nẹ Tở, Nẹ Nưa, bản Mòng, bản Kham, bản Sàng, bản Hịa, bản Lụa, bản Pọng, bản Nam, Hoàng Văn Thụ). Có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, có 1.867 hộ và 8.666 nhân khẩu, xã 22 hộ nghèo và 33 hộ cận nghèo. Diện tích tự nhiên của xã là 4.168 ha, trung tâm xã cách trung tâm thành phố 5 km, tiếp giáp theo các hướng: Phía Đông giáp với Chiềng Ban huyện Mai Sơn; Phía Tây giáp xã chiềng Cọ thành phố Sơn La; Phía Nam giáp với Mường Chanh huyện Mai Sơn; Phía Bắc giáp với xã Chiềng Cơi thành phố Sơn La.

    Xã Hua La nằm trên trục dãy núi đá vôi phía Tây Bắc, chạy dài từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Ninh Bình nên có địa hình đồi núi cao, phức tạp, nằm gối kề nhau theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Toàn xã có độ cao trung bình hơn 600m so với mực nước biển. Do vậy, diện tích đất ruộng phù sa chiếm tỉ lệ nhỏ và phân bố chủ yếu tại ven bờ suối. Diện tích đồi núi có hai dạng chính như sau:

    Địa hình núi cao, có độ cao từ 800-1.000m so với mực nước biển, tập trung ở một số bản như: Co Phung, Púa Nhọt, San, Nẹ Nưa.

    Địa hình đồi núi trung bình có độ cao từ 700-800m so với mực nước biển,địa hình này tập trung gần khu vực giáp suối Nậm La. [1]

    Thổ nhưỡng ở xã Hua La có hai loại chính: Đất Feralit nâu đỏ phát triển trên nền phong hóa đá vôi, nhiều mùn, thích hợp trồng các loại cây công nghiệp lâu năm (chè, cà phê), cây ăn quả... Đất phù sa cổ phân bố chủ yếu ở các thung lũng dưới chân núi thích hợp để canh tác lúa nước và trồng cây lương thực có hạt.

    Do điều kiện địa lý nằm sâu trong vùng lục địa, đồi núi phức tạp nên khí hậu vừa mang tính chất nhiệt đới gió mùa, vừa mang tính chất khí hậu lục địa với hai mùa rõ rệt trong năm. Từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa hè nóng ẩm mưa nhiều, từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau là mùa đông lạnh và khô hanh. Nhiệt độ trung bình năm là 20,50C, tổng số giờ nắng trung bình 1.950 giờ/năm; tháng 12 và tháng 1 có nhiệt độ thấp nhất, nhiều thời điểm xuất hiện sương muối. Lượng mưa bình quân là 1.445 mm/năm, độ ẩm trung bình khoảng 80%. Hướng gió chính chủ yếu là: gió mùa Đông Nam, Tây Nam kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10; gió mùa Đông Bắc kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

    Hua La có dòng suối Nậm La chảy dọc theo xã. Một số suối nhỏ khác như suối Nậm Tấu, suối Co Phụng và các khe rạch dẫn nước từ các khe núi chảy ra suối Nậm La và chảy ra đồng ruộng. Song do địa hình thấp khả năng giữ nước kém nên lưu lượng dòng chảy biến động theo mùa. Mùa mưa lưu lượng nước và tốc độ dòng chảy lớn mùa khô lượng nước giảm gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Nguồn mặt nước còn là tiềm năng phát triển du lịch: Suối nước nóng bản Mòng (Hua La) đang trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn đón khách du lịch đến với thành phố.       

    Trước đây, rừng trên địa bàn Hua La là nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm như: vượn đen (nằm trong danh mục Sách đỏ thế giới), voọc xám, niệc cổ hung, gà lôi hồng tía, beo lửa,... Hệ thực vật khá phong phú với nhiều loại gỗ quý (nghiến, chò chỉ, sến, táu, thông đỏ), dược liệu quý (hà thủ ô, sa nhân,...). Ngoài vai trò phát triển kinh tế, rừng còn có tác dụng bảo vệ nguồn nước ngầm, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở đất, điều hòa khí hậu. Tuy nhiên, do nhiều năm khai thác tự phát và chưa có kế hoạch trồng rừng tái sinh, rừng tự nhiên dần bị thu hẹp,động vật hoang dã hầu như không còn.

    Nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn xã Hua La chưa được điều tra, thống kê, đánh giá đầy đủ nên chưa khai thác nguồn khoáng sản quý nào. Thực tế nhân dân có khai thác vàng sa khoáng, có một số loại đá, cát được khai thác để làm vật liệu xây dựng nhưng trữ lượng thấp, nhỏ lẻ, nguồn khai thác không đáng kể.

    Môi trường thiên nhiên phần nào vẫn giữ được sắc thái tự nhiên, mang nét đặc trưng của vùng núi Tây Bắc. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, người dân chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ cảnh quan môi trường cũng như việc sử dụng đất đai chưa khoa học dẫn đến đất nhanh bị bạc màu, xói mòn rửa trôi, gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, hệ sinh thái và các nguồn nước thải, rác thải trong các khu dân cư chưa có hệ thống thu gom, xử lý cũng làm ảnh hưởng đến môi trường. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai,yêu cầu đặt ra với Đảng và nhân dân cần có sự thay đổi trong nếp sống sinh hoạt cũng như phương thức canh tác.

[1]Nậm La là một phụ lưu cấp 2 của sông Đà, chảy ở tỉnh Sơn La, trong đó có đoạn  qua thành phố Sơn La, Nậm La có lưu vực gần 400km2, đổ vào Nậm Bú, qua một đoạn sông ngầm, sau đó tới sông Đà.

 





 



CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HUA LA
 
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử UBND xã
 
Địa chỉ: bản Sàng, xã Hua La, thành phố Sơn La
 
SĐT: 02123 854005 - 0348492696
 
Email: ubhuala.thanhpho@sonla.gov.vn - Website: http://thanhpho.sonla.gov.vn