Văn bia Quế Lâm Ngự Chế

Di tích Lịch sử - Văn bia Quế Lâm Ngự Chế

Phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La.

 

Ảnh sưu tầm: Văn bia Quế Lâm ngự chế khắc trên vách đá từ năm 1440

Di tích lịch sử Văn bia Quế Lâm Ngự Chế thuộc tổ 3, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La. Nơi đây đã minh chứng thời kỳ lịch sử của vị vua hùng tài, đại lược Lê Thái Tông cùng quân sỹ đi chinh phạt quân phiến loạn ở vùng biên cương phía Tây của Tổ quốc, giữ bình yên cho bờ cõi nước nhà. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng cấp Quốc gia ngày 05/02/1994.

Vua Lê Thái Tông, tên húy là Nguyên Long là con thứ của Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) và Cung từ Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, người hương Quần Lai, huyện Lôi Dương (ngay là Thọ Xuân - Thanh Hóa).

Vua sinh ngày 20 tháng 11 năm Quí Mão (1423), ngày 03 tháng 3 năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) được sắc phong làm Lương Quận công. Ngày 6 tháng Giêng năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) được lập thành được lập làm Hoàng Thái Tử. Ngày 08 tháng 9 năm Thuận Thiên thứ 6 (1433) lên ngôi Hoàng đế. Lấy năm sau làm niên hiệu năm Thiệu Bình thứ nhất (1434) đến năm thứ 7 đối niên hiệu là Đại Bảo (1440) lấy hiệu là “Quế Lâm Động Chủ” nối tiếp hiệu “Lam Sơn Động Chủ” của vua cha Lê Thái Tổ. Ở ngôi được 9 năm (1433-1442) đi tuần thú ở miền Đông (Chí Linh - Hải Dương) rồi băng hà, hưởng thọ 20 tuổi, táng ở Hựu Lăng - Lam Sơn - Thanh Hóa.

Sử sách ghi lại rằng: “…Vua Lê Thái Tông là người hùng tài, đại lược, cương đoán, làm được việc. Khi mới lên ngôi ra sức cầu trị định chế độ, ban sách vở đặt lễ nhạc, sáng suốt việc chính, cẩn thận việc hình, mới có mấy năm mà điền chương văn vật rực rỡ, trong nước đều biến đổi lớn…”

“…Vua được lên ngôi, nối vận thái bình, bên trong chỉ huy được quần thần, bên ngoài dẹp được các nước di dịch quấy nhiễu, trọng đạo, sùng nho, mở khoa thi tuyển nhân tài, xử tù xét án phần nhiều khoan dung xá tội, là bậc vua giỏi thủ thành”

Từ khi lên ngôi, Vua Lê Thái Tông rất chú ý đến miền Tây Bắc, miền đất phên dậu của Tổ quốc. Để củng cố và đảm bảo sự thống nhất Quốc gia, cũng như Vua Lê Thái Tổ và các vị vua khác, trong 9 năm trị vì đất nước, vua Lê Thái Tông đã 2 lần chỉ huy quân sỹ lên miền Tây Bắc dẹp bọn phản nghịch. Tháng 3 năm Canh Thân (1440), nhà vua lần đầu tiên thân chinh cùng quân sỹ lên trấn Miền Tây đi đánh thổ quân phản nghịch tên là Thượng Nghiễm, ở Châu Mường Muổi (nay là huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La).

Ảnh sưu tầm: Đường lên vách đá Động La

Nhà vua đi tới đâu cũng được nhân dân ủng hộ nên quân của triều đình đã nhanh chóng dẹp tan bọn phản nghịch. Trên đường trở về, nhà vua cùng quân sỹ nghỉ chân tại Động La (Thẳm Báo Ké), một hang đá tự nhiên ở châu Mường La. Vua thấy nơi đây cảnh đẹp, địa lý thuận lợi, với ý nghĩa sâu xa và tâm hồn thanh thản, nhà vua đã cho quân sỹ khắc bài thơ và lời tự trên vách đá ở cửa Động La. Bài thơ có 14 dòng gồm 140 chữ Hán có nội dung như sau:

Quế Lâm Ngự Chế

“Thuận Mỗi châu nghịch tù trưởng Nghiễm vong ân bội nghĩa, xuất chúng tòng Ai Lao tắc nghịch, dư thân đồng lục chinh chính kỳ tội, chỉ cố chi gian thiêu hủy lưỡng trạng, sơn nhai, đoạt kỳ tình truyền. Thượng Nghiễm kế cùng lực tận, tiến tượng ngật hàng, dư linh kỳ vô bặc, vô nhung. Bất nhẫn tận lục, nãi xã quyết tội ban sư nhi hoàn lưu đế nhất rương vân:

Bình Chẩm lưu tâm niệm viễn nhân

Man tù hà sự tốc vong thân

Thế gian nhược hữu anh hùng chủ

Thiên hạ thùy dung phản nghịch thần

Ô đạo duyên vân khộng thị hiểm

Âm nhai duyên noãn kỉ diện xuân

Cách trừ ô nhiễm an dân thiện

Nhẫn sử hà mạnh ngoại chí nhân”

(Đại bảo nguyên niên Quý xuân Trung hoàn cát nhật)

Dịch nghĩa:

Bài thơ Quế Lâm ngự chế

“Tù trưởng Thuận Châu là Thượng Nghiễm phản nghịch, vong ơn bội nghĩa, đem quân theo người Ai Lao làm phản. Thân chinh điều khiển sáu quân tới trị nó. Thượng Nghiễm kế cùng lực tận, dâng voi xin hàng. Ta thương nó quỳ bò không mang vũ khí, không nỡ chém, bèn tha tội cho nó, rồi đem quân trở về để lại một bài thơ rằng:

Nghĩ tới người xa đêm khổ thân

Thổ tù sao lại dám quên thân

Thế gian đã có anh hùng chúa

Thiên hạ ai tha kẻ nghịch thần

Đường sá khó khăn đừng cậy hiểm

Hang cùng đá ấm áp hơi xuân

Yên được dân lành nhơ nhớp hết

Dân xa được hưởng tấm lòng nhân

(Năm đầu niên hiệu Đại Bảo, Canh Thân 1440, ngày lành giữa tháng 3).

Đúng một năm sau, tháng 3-1441, vua lại kéo quân lên dẹp loạn Nghịch Nghiễm ở Châu Mường Muổi, đi đến đâu cũng được nhân dân hưởng ứng, giúp đỡ vì vậy quân của triều đình đã nhanh chóng bắt được tướng Ai Lao là Đạo Mông, đồng thời bắt được con của Thượng Nghiễm là Sinh Tượng và Chàng Đồng. tên phản nghịch Thượng Nghiễm ra hàng và chịu tội, kể từ đây dải đất biên cương của Tổ quốc đã được yên bình.

Để tri ân công đức của Vua Lê Thái Tông và để di tích Văn bia Quế Lâm Ngự Chế mãi mãi trang nghiêm, tỏa sáng trong lòng các thế hệ nối tiếp, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng lành mạnh của đông đảo các tầng lớp nhân dân, được sự nhất trí của Bộ Văn hóa, Thông tin, tháng 9/2001 Tỉnh ủy và UBND Sơn La đã cho khởi công xây dựng đền thờ Vua Lê Thái Tông tại thị xã Sơn La và được khánh thành ngày 22/01/2003, lấy tên là “Quế Lâm linh từ”.

Ảnh sưu tầm: Đền thờ Vua Lê Thái Tông

Ngôi đền được xây dựng theo hướng Đông Nam, trên thế đất địa linh “Sơn kỳ thủy tú”, lưng tựa vào núi Cằm tạo nên sự vững chắc, uy nghiêm, trước mặt là dòng Nậm La hiền hòa chảy theo năm tháng. Đó là sự kết hợp đồng điệu giữa cảnh sắc thiên nhiên với nhịp sống con người nơi vùng sơn cước. Tất cả toát lên một vẻ đẹp thanh tao thoát tục. Đền được xây dựng trên diện tích 800m2 theo lối kiến trúc của những ngôi đền cổ ở Việt Nam, bao gồm các hạng mục: Cổng tam quan, sân đền, nhà tả, hữu mạc, tòa đại bái và hậu cung.

Cổng tam quan có 3 cửa: 1 cửa chính, 2 cửa phụ, kiến trúc 2 tầng 8 mái, 8 góc mái trang trí hoa văn ngọn trúc uốn cong mềm mại, mái ngói mũ hài lợp theo lối âm dương. Mặt trước cổng tam quan có 4 chữ hán đắp nổi “Quế Lâm linh từ” (Đền thiêng Quế Lâm) hai bên góc tường là 2 cột đồng trụ có trang trí tự phượng chầu về tứ phương Đông, Tây, Nam, Bắc.

Sân đền có diện tích 136m2 gồm 3 gian, 2 chái là nơi nhân dân và du khách hành lễ. Toàn bộ phần mái lợp bằng ngói mũ hài theo lối âm dương, 4 góc là 4 đầu đao cong vút có trang trí đầu rồng cuốn thủy và ngọn trúc, biểu hiện của tứ phủ anh linh. Trên bờ nóc có đắp nổi 2 con rồng chầu mặt nguyệt, 2 đầu có lưỡng kìm kẹp nóc, mang biểu tượng cho bầu trơi, nguồn sinh lực của vũ trụ. Tòa đại bái có 3 cửa gồm 1 cửa chính, 2 cửa phụ. Bên trong có 8 cột chính, trong đó 2 cột cạnh cửa chính được trang trí rồng quấn cột, vờn mây theo vòng xoáy trôn ốc đắp nổi. Tòa đại bái có 3 ban thờ chính và 2 ban thờ phụ, mỗi ban thờ đều có bức võng, ân thư, đồ thờ, hoành phi câu đối được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng, được trang trí tứ linh: Long, Li, Quy, Phượng và Hổ phù là những con vật gắn với tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Ở gian chính giữa đặt bộ bát bửu và chấp kích là biểu tượng cho những báu vật linh thiêng của vị thần trong ngôi đền, được coi như binh khí thần diệu giúp cho vị thần cai quản miền đất thiêng và ban phát nguồn sức mạnh, tài lộc cho du khách hành hương.

Cung giữa thờ “Hội đồng triều Lê”, tức là thờ các vị vua và quân sỹ của triểu Lê. Bức hoành phi có nội dung “Quân thần khách hội” nghĩa là “Vua tôi hội ngộ” ý nghĩa của bức hoành phi này là: “Nơi vua tôi cùng hội ngộ, nơi vua sáng tôi hiền gặp gỡ”. Đôi câu đối có nội dung:

“Hội Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Vu nhất thân, dữ thiên, địa chuẩn

Yết thi, thư, lễ, nhạc ư vạn thế, vi chân đế vương”

Dịch nghĩa:

“Hội đủ sự tốt đẹp của các vua Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang vào một mình, xứng đáng là chuẩn tắc của trời đất

Nêu cao thi, thư, lễ, nhạc suốt muôn thưở, xứng đáng là bậc chân chính đế vương ”

          Đôi câu đối này ca ngợi vua Lê Thái Tông là người hội đủ sự tốt đẹp của các vị vua hiền trong lịch sử Trung Quốc như: Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang là những vị vua mẫu mực mà nho giáo ca ngợi, ông là một trong những vị vua chân chính của triều Lê bên cạnh các vị vua hiền tài như: Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông.

          Cung tả (bên trái) thờ thành hoành tức là thờ vua Lê Thái Tông, người có công lớn đối với vùng đất này. Nội dung bức hoành phi là “Đương cảnh Thành Hoàng”. Đôi câu đối có nội dung:

“Hữu triệu đạo hồng đồ chi công, linh miếu sang tu Tân Tỵ tuế;

Vị khai thác cương thổ chi nghiệp, phương dân hoàn tất Nhâm Ngọ niên”

Dịch nghĩa:

“Có công xây dựng cơ đồ, miếu thiêng được khởi công năm Tân Tỵ (2001)

Có sự nghiệp mở mang bờ cõi, nhân dân địa phương hoàn thành ngôi đền này vào năm Nhâm Ngọ (2002)”

          Đôi câu đối này ca ngợi công đức của Vua Lê Thái Tông thật là to lớn, ngài xứng đáng được nhân dân phụng thờ.

          Cung hữu (bên phải) thờ “Sơn thần bản thổ” tức là thờ các vị thần linh được giáng xuống cai quản miền đất thiêng. Bức hoành phi có nội dung: “Sơn nhạc giáng thần”. nghĩa là: “Núi thiêng giáng xuống thần linh”. Đôi câu đối này có nội dung:

“Vũ trụ biệt thành, Nam thiên nhất trị thăng bình hội

Cung đường như kiến, Tây địa thiên thu thượng đẳng thần”

Dịch nghĩa:

“Một cõi vũ trụ riêng, trời Nam mở hội thăng bình trị

Nhìn cung miếu như được gặp, miền Tây muôn thủa là bậc thượng đẳng phúc thần”

Đôi câu đối này ca ngợi nhà vua xây dựng nước Nam thành bờ cõi riêng, mở một thời kỳ thịnh trị cho nước Nam ta. Mọi người tới đây chiêm bái nơi thờ Ngài như gặp lại con người và công lao của Ngài. Ngài xứng đáng là bậc “Thượng đẳng phúc thần” ở miền Tây Bắc của Tổ quốc.

          Phần hậu cung gồm một gian xây vuông góc với tòa đại bái, trong hậu cung đặt tượng vua Lê Thái Tông và bài vị thờ Ngài.

Ảnh sưu tầm: Bia đá đặt trước cửa Động La

Đến di tích lịch sử Văn bia “Quế Lâm Ngự Chế”“Quế Lâm linh từ”, thắp một nén nhan tưởng nhớ công đức của nhà vua và quân sỹ của ông, du khách sẽ cảm thấy thanh thản trước bức tranh thiên nhiên muôn màu sắc, gửi gắm một chút lòng mình vào chốn linh thiêng./.

                                      Hồng Thủy

                           (Sưu tầm theo Sơn La - Di tích và danh thắng)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

image advertisement

 
image advertisement
 
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ SƠN LA
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử UBND thành phố
Địa chỉ: Số 47 đường Lê Thái Tông - Tổ 2 phường Chiềng Lề - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La
SĐT: 02123 852365 - 0915.331585
Email: thanhpho@sonla.gov.vn - Website: http://thanhpho.sonla.gov.vn
Giấy phép thiết lập số 06/GP-TTĐT ngày 24/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông
 
 Chung nhan Tin Nhiem Mang